Bài Phỏng Vấn Đặc Biệt - Võ Triều Sơn thực hiện
Lời giới thiệu của VNN : Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, người đã khám phá ra nguồn gốc của bệnh ung thư và phát minh phương pháp trị tuyệt căn chứng bệnh ác hiểm nầy, thông tấn VNN chúng tôi rất hân hạnh được Bác sĩ dành cho một cuộc phỏng vấn đặc biệt sau đây do phóng viên Võ Triều Sơn thực hiện. Ngoài phần trình bày chi tiết thêm về những điều quan trọng của bệnh ung thư, trong cuộc phỏng vấn đặc biệt nầy, Bác sĩ còn có những chia sẻ chân thành cùng quý độc giả của VNN về những suy tư và ước nguyện của một nhà nghiên cứu khoa học về Đức Tin đối với Thượng Đế và về thân phận Sinh, Lão, Bệnh, Tử của con người. Xin kính mời quý vị theo dõi.
Sơ lược Tiểu sử Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh :
Sinh quán tại Quảng Trị, Trung Việt.
Năm 1965, tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa Quốc gia tại Paris.
Năm 1967, qua Gia Nã Đại dạy về Physiologie tại Đại học Moncton NB, Canada.
Sau đó, về nước làm Phụ tá Đặc trách Bộ Xã Hội Cứu Trợ cho Bác sĩ Tổng trưởng Trần Lữ Y (Bác sĩ Y lúc ấy trông coi cả 3 Bộ Y Tế, Xã Hội và Cứu Trợ ; Riêng Bác sĩ Thanh có thêm Chứng chỉ Hậu Đại học về Hygiène, Médecine Préventive et Actions Sanitaire et Sociale).
Sau đó, Bác sĩ Trần Minh Tùng, Bộ trưởng Y Tế, cử Bác sĩ Thanh làm Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Sài Gòn, nhưng sau khi quan sát Bệnh viện, bác sĩ Thanh từ chối trách vụ nầy và mở phòng mạch tư chuyên nghiên cứu về ung thư và thuốc Nam, Bắc. Công cuộc nghiên cứu nầy kéo dài cho tới khi Bác sĩ sang định cư tại Montréal (Gia Nã Đại) sau nầy.
Sau 1975, Bác sĩ Thanh ở lại Việt Nam tiếp tục chữa bệnh. Vì tính tình cương trực, thẳng thắn, Bác sĩ đã bị nhà cầm quyền CSVN giam tù gần 3 năm vì chống chế độ tham nhũng. Tháng 09/1988, Bác sĩ qua định cư tại Gia Nã Đại.
Sau gần 20 năm nghiên cứu, Bác sĩ Thanh đã trình bày về khám phá nguồn gốc trạng thái thiên nhiên của siêu vi (virus) và bệnh ung thư và cũng đã áp dụng lâm sàng chữa lành bệnh ung thư cho nhiều người.
Năm 1998, Bác sĩ Thanh bắt đầu nạp đơn xin Bằng Sáng Chế tại Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và Việt Nam. Năm 2002, Bác sĩ đã được Chính phủ Gia Nã Đại trao Bằng Sáng Chế Trị Tuyệt Căn Ung Thư.
Ngoài những nỗ lực nghiên cứu về Y khoa, Bác sĩ Thanh còn nghiên cứu nhiều về Nguồn gốc Văn hoá Tiền và Sơ sử Việt Nam và đã có nhiều cống hiến rất giá trị về lãnh vực nầy.
VNN : Kính thưa Bác sĩ, nhà bác học Louis Pasteur đã nói rằng : Khoa học càng tiến bộ càng làm cho nhân loại tiến gần lại với Thượng Đế. Là một chuyên gia Công giáo nghiên cứu về Y khoa, Bác sĩ nhận thấy ý tưởng trên đây của Louis Pasteur có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống và lý tưởng khoa học mà Bác sĩ đang theo đuổi ?
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh : Đúng, ông Pasteur đã nói rằng : ''Un peu de science on s'éloigne de la Foi, beaucoup de science on s'en approche = Một chút khoa học người ta xa Đức Tin (vào Thiên Chúa), nhiều khoa học người ta tiến lại gần Đức Tin". Câu nói trên của ông Pasteur là kinh nghiệm đời sống nghiên cứu khoa học của ông và của một số lớn các nhà khoa học. Càng đi sâu vào nghiên cứu khoa học, ông Pasteur càng mạnh tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa toàn năng.
Ông ấy muốn nói lên khi người ta tập tểnh một chút khoa học thì họ cảm thấy tự mãn, tự kiêu, coi như với khoa học họ đã đạt được chân lý cao siêu trên hết, và đã đạt được cứu cánh của đời sống con người ; ngoài ra không còn gì nữa đáng nói. Họ tự mãn, tự kiêu tưởng như mình có thể đạt được tất cả với một chút khoa học như ''cóc nằm đáy giếng thấy trời bằng vung'' và không còn tin vào Tạo Hoá toàn năng đã sinh ra con người và cho họ trí thông minh để họ mò mẫm đi tìm vài tí chút sự thật vô cùng hạn hữu trong thiên nhiên tức là nghiên cứu khoa học.
Nhưng khi con người đi sâu hơn vào khoa học thì họ sẽ sửng sốt, bàng hoàng trước những hiểu biết nhỏ nhen vô cùng giới hạn của họ. Tầm mắt mở ra, họ cảm thấy cái bé nhỏ hèn kém của con người và những thành quả khoa học đạt được do nhiều công sức dầu phát triển đến đâu cũng chỉ là cái hiểu biết hạn hẹp vô nghĩa. Từ những nhận thức đó, con người có suy nghĩ hướng về Tạo Hoá. Vì chỉ có Đức Tin về một Thiên Chúa Toàn Năng mới trả lời mọi thắc mắc cho con người biết suy nghĩ. Khoa học với mọi phát minh của nó chỉ là những sự mò mẫm nhỏ nhen trong đêm tối đi tìm những tia sáng li ti sự thật trong vũ trụ huyền nhiệm của Tạo Hoá. Một ví dụ nhỏ : Một phi công lái máy bay tự cảm thấy có tài năng vượt tầng mây. Nhưng đi xa hơn, khi theo hỏa tiển lên cung trăng, ngắm một góc cạnh bé tí xíu vũ trụ bao la hùng vĩ, vô tận, thì anh ta bàng hoàng, chao đảo, trước cái vô biên của Tạo Hoá và cái hiểu biết nhỏ nhoi vô nghĩa của mình.
Bất cứ trong ngành nào, đặc biệt là y khoa thì câu nói của ông Pasteur lại càng đúng. Tuy nhiên, Đức Tin vào Thiên Chúa không thể là món quà tự động trước khoa học cao thâm. Vì quan niệm về thiên nhiên vô biên chưa hẳn đã là yếu tố ''cần'' và ''đủ'' để con người có Đức Tin vào Thiên Chúa. Còn cần một yếu tố khác quan trọng hơn, đó là mầu nhiệm về ơn Thánh sủng của Đấng Tối Cao ban tặng cho con người có lòng biết nắm bắt ánh sáng Đức Tin sâu sắc và bền vững. Vì thế, không phải tất cả các nhà khoa học vĩ đại đều tin sâu sắc vào Thiên Chúa.
VNN : Từ xưa đến nay, rất nhiều nhà khoa học đã hăng say làm việc một cách bất vụ lợi dầu gặp phải nhiều khó khăn. Trong bài phỏng vấn mới đây của bà Diễm Thy Báo Ngày Mới Paris, Bác sĩ cũng đã nói đến vì việc nghiên cứu ung thư mà phải tan gia bại sản và gặp thật nhiều bất công và phá hoại. Như vậy, những hy sinh của các nhà khoa học cùng những tiến bộ của khoa học ngày nay có đương nhiên đem lại hạnh phúc, an lành cho nhân loại không ? Hay nhân loại phải cần tới một thứ gì khác nữa ? Và nếu cần thì phải làm thế nào ?
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh : Trừ trường hợp được trả lương hậu hỉ hay tài trợ, hay mua bán bằng phát minh để thành tỉ phú đô la, nếu không, người nghiên cứu khoa học phải hy sinh nhiều. Phải thành thật nói rằng trong sự hy sinh đó tuy có tinh thần phục vụ, nhưng phải có sự đam mê vui sướng và nghị lực kiên cường thì mới mong thành công nhiều ít được. Vợ chồng bà Marie Curie phải đốt bàn ghế giường tủ đang dùng để nghiên cứu, hai ông bà sống nghèo cho đến chết.
Riêng tôi, gặp phải nhiều điều không may vừa ở Montréal Canada vừa ở Việt Nam. Tại Montréal, tôi được hân hạnh hai bác sĩ đồng nghiệp có phòng mạch giàu có chiếu cố, vì ganh tị, vu khống, tố cáo tôi ''chữa bệnh thí nghiệm'' lấy tiền mà không khai báo, nên chính phủ Canada phạt tôi gần 100,000$, xiết nhà, và lấy hết tiền trong tài khoản ngân hàng của tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn vui và hiện đang khiếu nại. Sự kiện nầy làm cho tôi suy gẩm câu Chúa dạy cầu nguyện trong kinh Lạy Cha mà phát run sợ "Vâng ý Chúa dưới đất cũng như trên trời!"
Hạnh phúc và đời sống an lành của nhân loại không hẳn nhờ khoa học mà có. Từ xưa, khoa học chưa phát triển con người vẫn sống hạnh phúc an lành. Tuy nhiên, khoa học phát triển đã đem đến nhiều điều lợi lộc tương đối cho nhân loại. Nhưng cũng không chối cãi được rằng khoa học cũng đã đem đến nhiều tai nạn cho loài người : ví dụ súng đạn, bom mìn, chất độc hoá học, môi trường sống bị phá hoại, nguyên tử, hạt nhân giết người hàng loạt, xì ke ma tuý, thuốc phá thai giết người, thuốc sex v.v. đầu độc tuổi trẻ, người lớn.
Vì vậy, hạnh phúc và an bình của nhân loại hoàn toàn tùy lương tâm con người biết lợi dụng khoa học như thế nào. Nhân loại cần phải bừng tỉnh để biết sống có chân lý, có bác ái đức độ. Lãnh tụ quốc gia phải biết trị dân với chánh đạo, vương đạo, biết dùng khoa học để đem lại an ninh thịnh vượng no ấm cho dân. Lãnh tụ quốc gia không thể lợi dụng quyền hành mà tham quyền cố vị, tham lam lợi lộc, nhắm mắt hy sinh mọi quyền làm người của dân, no ấm của dân cho địa vị và hầu bao không đáy riêng tư ; dùng khoa học tạo khí giới hoá học, vi trùng, hạt nhân giết người hàng loạt hòng làm bá chủ thế giới ; nịnh dân để kiếm phiếu, đưa thanh thiếu niên lăn xả vào chủ nghĩa hiện sinh với cuộc sống đồi truỵ mất hết ý nghĩa hạnh phúc an lành quí báu cho cuộc sống của họ.
Giáo Hội Công Giáo (GHCG) La Mã trên bình diện đất đai dân số là một nước thật nhỏ, nhưng trên bình diện thiêng liêng GHCG lớn bằng hoàn vủ. GHCG có sứ mệnh tinh thần tối cao là dẫn dắt nhân loại ngày càng đi đến chỗ hoàn thiện hoàn mỹ. Và từ chỗ hoàn thiện đó, con người dễ tìm gặp Thiên Chúa.
GHCG phải tích cực hoạt động một cách năng nỗ, thiết thực đặc biệt hơn nhiều để có thể đáp ứng hoàn cảnh xã hội sa đoạ của quả địa cầu bệnh hoạn suy sụp ngày nay. GHCG không thể chỉ ngồi làm việc lấy lệ, nhỏ giọt trước bao cơn bệnh trầm kha sa đoạ nặng nề về mọi mặt của thế giới như lũ lụt dâng trào ngày nay.
Không một hội đoàn, cơ quan, không một nền giáo dục quốc gia nào có thể thay thế sứ mạng mà Thiên Chúa đã trao phó cho GHCG của Người trên trần thế. GHCG mà chúng tôi nói đây không phải chỉ gồm các vị Lãnh đạo tại Tòa Thánh La Mã mà là một GHCG hoàn vũ gồm toàn thể Kitô-hữu trên trái đất trong đó có toàn thể giáo dân, có các anh chị em, có một số các bạn làm việc trong VNN, có tôi. Vì vậy, dầu là phần tử nhỏ mọn đến đâu chúng ta vẫn phải có bổn phận góp phần xây đắp GHCG Chúa Giêsu.
VNN : Theo niềm tin của nhiều Tôn giáo thì Thượng Đế dựng nên vũ trụ và sinh ra con người vì chính Tình Yêu của Ngài nhưng tại sao trong môi trường sống của con người lại đầy thảm hoạ như bão lụt, động đất, sóng thần, cũng như trong chính cơ thể con người vẫn luôn luôn đầy dẫy những mầm mống gây ra bệnh tật chết người như những siêu vi, mầm bệnh ung thư chẳng hạn. Bác sĩ nhận định như thế nào về những vấn đề nầy ?
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh : Thiên Chúa tạo nên quả địa cầu với mọi tự do hoành hành của nó, lũ lụt, động đất, hỏa diệm sơn, sóng thần, môi trường... Thiên Chúa tạo nên những sinh vật trên quả đất, từ con cực siêu vi đến con người, Ngài ban cho sự sống, vui vẻ, hạnh phúc, gian truân, đau khổ, bệnh hoạn và chết. Đó là chương trình mầu nhiệm yêu thương của Ngài. Tại sao vậy ? Vì cuộc sống trần gian là một cuộc thử thách ghê gớm. Thử thách cho hạng người được mọi may mắn, xinh đẹp, mạnh khoẻ, hạnh phúc tình yêu, công danh, phú quý, giàu có, và thử thách cho hạng người ngoại hình thua kém, tật nguyền, không may mắn, khốn khổ, đau thương, nghèo nàn, đói rách, bị áp bức, bóc lột, bất công, gặp nhiều tai ương, mạt vận không thể nào diễn tả được.
Đó là những bước đầu, bước khởi điểm trong chương trình yêu thương mầu nhiệm của Thiên Chúa ban, mà con người đang đi để đến với một ''hạnh phúc chân thật vĩnh hằng'', ''hạnh phúc bất ngờ và không thể tưởng'' mà Thiên Chúa đã đặt ra sẵn sàng để chờ đón hết thảy chúng ta. Coi chừng, Chúa Kitô đã nói : ''Người giàu có lên thiên đàng khó hơn con lạc đà đi qua lỗ kim". Vậy thì sao ? Phước hoạ ở đâu?
Thiên Chúa không ban cho cuộc sống trần gian nầy "hạnh phúc vĩnh cửu bất diệt", trái lại, Ngài còn đòi "Kẻ nào muốn theo Ta thì phải uống chén đắng với Ta (vác Thánh giá, chịu đau khổ)". Đời sống trần gian chỉ là nơi thử thách, hạnh phúc trần gian chỉ là tương đối tạm bợ, và cũng là cuộc thử tài đức độ và thử lòng yêu mến tha nhân để xứng đáng vượt đến một hạnh phúc vĩnh hằng mà loài người không thể nào biết trước hay tưởng tượng ra được như thế nào! Sự thử thách trần gian chỉ là bước khởi đầu để con người có xứng đáng bước vào hạnh phúc tuyệt vời vĩnh cửu hay không mà thôi.
Bị bệnh, cách thức chữa bệnh, sống nghèo đói, giúp người bớt nghèo đói, bị đau khổ, giúp người bớt đau khổ... tất cả đó chỉ là những thử thách của Thiên Chúa khi Ngài cho con người hoàn toàn tự do. Đó là tất cả những điều nằm trong chương trình mầu nhiệm tốt đẹp, vô cùng bất ngờ của Tình Yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Trí óc hạn hữu của tạo vật làm sao thấu triệt, làm sao hiểu được Thánh Ý của Tạo Hoá. Chính vì thế mà sau bao nhiêu trăm ngàn năm hay nhiều hơn nữa Thiên Chúa đã dựng nên con người trên quả đất, Ngài mới nhập thế làm người để sống cuộc sống hèn hạ, chết cái chết đau thương tận cùng ; và liên tục ban mọi ơn phước, làm nhiều phép lạ không ngừng từ xưa đến nay để khuyến khích và nâng đỡ loài người yếu hèn trước mọi cám dổ của Satan mà sa đoạ.
Mọi Kitô-hữu trên khắp thế giới đều chỉ có một Đức Tin bền chặt từ Thiên Chúa và vào Thiên Chúa y hệt nhau suốt 2000 nay và còn kéo dài cho đến tận thế. Điều nầy chứng minh Thiên Chúa là Sự Thật, và Đức Tin vào Thiên Chúa là điều hạnh phúc vô biên thật. Có thể nói rằng ngay trên cõi đời nầy không có hạnh phúc nào, ví dụ như hạnh phúc trong tình yêu nam nữ, gia đình, sức khoẻ, trí tuệ, công danh, tiền tài... so sánh được với hạnh phúc có một Đức Tin nếu hiểu được giá trị hạnh phúc Đức Tin. Hiện tại đa số nhân loại đang chúi dầu trong bóng tối đam mê xác thịt tiền tài danh vọng, sát phạt nhau..., chưa vỡ lẽ được hạnh phúc Đức Tin nói trên.